Đánh giá Chủ_nghĩa_cộng_sản

Tích cực

"Chủ nghĩa cộng sản mở đường tới các vì sao". Tranh cổ động năm 1961 của Tiệp Khắc về phi công Anh hùng Liên Xô Yuri Gagarin - người đầu tiên bay vào vũ trụ trong lịch sử nhân loại
  • Chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội là những trào lưu tư tưởng quan trọng, đã có một vai trò rất to lớn trong tiến trình phát triển của tri thức nhân loại: vai trò của một cuộc thí nghiệm xã hội lớn lao. Sau cuộc thí nghiệm này nhân loại đã thu được các kinh nghiệm và tri thức cực kỳ to lớn; đã từ bỏ được sự "lãng mạn cách mạng" và có thêm kinh nghiệm xử lý các vấn đề lớn của xã hội. Các giai tầng xã hội đã không còn dễ bị kích động bởi các ý tưởng có tính cực đoan, xã hội hướng đến cách giải quyết các mâu thuẫn bằng con đường phi bạo lực. Tuy các đảng cộng sản thất bại, tan rã nhưng những bài học xương máu của sự thất bại này đem lại cho nhân loại một cái nhìn sâu rộng hơn về các vấn đề kinh tế - xã hội.[88][89][90]
  • Lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản là đối trọng để chủ nghĩa tư bản tự điều chỉnh, học hỏi để xây dựng một xã hội công bằng hơn, dân chủ hơn, ổn định hơn và trở nên tốt đẹp hơn để được xã hội loài người chấp nhận. Từ chủ nghĩa tư bản với sự tự do bóc lột - "Người với người là chó sói" (Lenin) - và đầy rẫy bất công tạo ra mầm mống của bạo động và cách mạng, thế giới cũ đã tìm các cách thích nghi và triển khai một xã hội dân sự mà trong đó mọi cá nhân đều có thể phát triển hoặc có cơ hội phát triển ngang nhau; có thể phát huy được những năng khiếu, sở trường của mình. Các mâu thuẫn xã hội không hoàn toàn biến mất nhưng đã có những cơ chế đối thoại, thỏa hiệp để giải quyết trên cơ sở hợp lý cho các giai tầng xã hội. Đây là một đóng góp gián tiếp rất lớn của chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản đã góp phần làm giảm nhẹ khá nhiều mặt trái của chủ nghĩa tư bản tuy nhiên còn nhiều mặt trái khác vẫn chưa giải quyết được như ô nhiễm môi trường, sự bất bình đẳng giữa các quốc gia trong quá trình toàn cầu hóa...[91]
  • Trong lịch sử mấy chục năm tồn tại của mình các nhà nước xã hội chủ nghĩa điển hình đã triển khai một số các biện pháp kinh tế - chính trị - xã hội mà ngày nay được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới kể các các quốc gia có nền kinh tế tư bản chủ nghĩa lâu đời như Mỹ và các nước Tây Âu. Các ví dụ như vậy rất nhiều như: kế hoạch hóa kinh tế ở tầm vĩ mô, nhà nước tích cực can thiệp vào nền kinh tế và đưa ra các quy định điều chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân, tập trung nguồn lực quốc gia cho những dự án lớn có tính quan trọng sống còn hoặc cung cấp các dịch vụ công mà tư nhân không đảm đương nổi hoặc không muốn tham gia do khó thu lợi nhuận, ban hành luật lao động để bảo vệ người lao động, thiết lập hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an sinh xã hội, phổ cập giáo dục ở mức độ quốc gia, các kinh nghiệm về quốc hữu hóa, vai trò của kinh tế quốc doanh trong nền kinh tế, phát triển các hình thức kinh tế hợp tác... đó là những đóng góp của chủ nghĩa cộng sản mà các nước có nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã học hỏi rút kinh nghiệm và điều chỉnh để hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước.[91]
  • Chủ nghĩa cộng sản đã giúp một số quốc gia lạc hậu hiện đại hóa nhanh chóng. Cách người ta thực hành chủ nghĩa cộng sản là kết quả của những điều kiện kinh tế - xã hội và tập quán chính trị ở các quốc gia đó hơn là kết quả của lý thuyết cộng sản chủ nghĩa.
  • Một số đảng cộng sản đã lãnh đạo dân tộc giành lại độc lập khỏi chủ nghĩa thực dân theo luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lenin bằng đấu tranh vũ trang cách mạng (lý thuyết của Lenin bị một số nước phương Tây coi là ý đồ của Liên Xô hòng làm cách mạng vô sản thế giới). Thực tế là lý thuyết của Lenin đã thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, dù còn nhiều tranh cãi chủ nghĩa dân tộc là con đường để thực hiện chủ nghĩa cộng sản (chủ nghĩa đại đồng) hay chủ nghĩa cộng sản là con đường để thực hiện chủ nghĩa dân tộc... Các quốc gia xã hội chủ nghĩa cũng góp phần làm cho chủ nghĩa thực dân cổ điển sụp đổ bằng cách viện trợ quân sự và kinh tế cho các phong trào giải phóng dân tộc và các quốc gia mới giành được độc lập.[92]
  • Chủ nghĩa cộng sản có nỗ lực góp phần quan trọng đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, đưa đến sự sụp đổ của các nhà nước phát xít trước đây (sự ra đời của chủ nghĩa phát xít hiện gây nhiều tranh cãi, là sản phẩm lỗi của chủ nghĩa tư bản, hay sự tất yếu của chủ nghĩa đế quốc; và cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít của những người cộng sản có còn nhằm mục đích mở rộng chủ nghĩa cộng sản). Nhiều ý kiến ở phương Tây cho rằng chủ nghĩa phát xít xuất hiện là phản ứng đối phó trước sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản, chuyên chính tư sản chống lại chuyên chính vô sản, hay là chủ nghĩa dân tộc cực đoan chống lại chủ nghĩa đại đồng xóa bỏ ranh giới quốc gia, nhưng cũng có ý kiến cho rằng nó không phải là chuyên chính tư sản vì bản thân trong các lý thuyết của chủ nghĩa phát-xít không hướng đến bảo vệ lợi ích tư sản và nó có khả năng lấy lòng kể cả những tầng lớp thấp nhất trong xã hội (như lý thuyết của đảng Quốc xã Đức xây dựng "chủ nghĩa xã hội" kiểu Đức).
  • Phong trào cộng sản gắn liền và hỗ trợ các phong trào xã hội khác phát triển như phong trào đấu tranh vì sự bình đẳng của phụ nữ, chống phân biệt chủng tộc, chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình thế giới, chống phổ biến vũ khí hạt nhân...
  • Về cơ bản hầu hết các nhà lý luận đều đánh giá chủ nghĩa Marx có mục đích mang tính nhân đạo, hướng đến việc mang lại hạnh phúc và giải phóng con người. Nhiều nhà lý luận đánh giá cao Lenin có đóng góp cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, chống phong kiến... Tác phẩm Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lenin phản đối chủ nghĩa dân tộc ích kỷ, tuy nhiên khẳng định cách mạng dân tộc ở các thuộc địa chỉ thành công khi có sự thành công ở cách mạng chính quốc, và có thể bỏ qua tư bản chủ nghĩa để tiến lên xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa khi có sự giúp đỡ của giai cấp vô sản các nước tiên tiến (gần giống luận điểm của Engels khi cho các nước lạc hậu có thể cải tạo các quan hệ sản xuất lạc hậu tồn tại để rút ngắn con đường lên xã hội chủ nghĩa với điều kiện chủ nghĩa xã hội được xây dựng thành công ở các nước phát triển) có ảnh hưởng đến phong trào giải phóng dân tộc ở một số nước, và mở đường cho nhiều đảng cộng sản hình thành ở phương Đông đấu tranh chống đế quốc phong kiến, nơi quan hệ sản xuất tư bản còn yếu.

Phê bình

  • Những quan điểm phê bình cho rằng xã hội cộng sản chỉ tồn tại trong giai đoạn nguyên thủy, và họ cho rằng phương pháp luận của Marx là sai, và rằng văn minh loài người không thể tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Họ là những người theo chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa kinh nghiệm, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa chống Cộng, chủ nghĩa duy tâm... những người áp dụng các nền tảng lý luận khác trong việc luận giải các hiện tượng xã hội. Những người bảo thủ cho rằng lý tưởng xã hội cộng sản là trên tinh thần "duy lý", không có sơ sở. Những người theo chủ nghĩa cá nhân thì cho rằng lý tưởng cộng sản là sản phẩm của chủ nghĩa lãng mạn.
  • Có quan điểm khác thì cho rằng bản chất của xã hội loài người hiện nay là không hoàn hảo, trình độ chung của văn minh nhân loại ở thế kỷ 20 chưa thể đạt đến xã hội cộng sản. Việc các chính trị gia ủng hộ chủ nghĩa cộng sản cố gắng xây dựng xã hội hoàn hảo thật nhanh chóng bằng các biện pháp bạo lực, cưỡng ép đã gây ra những tổn thất cho xã hội. Họ cho rằng không cần phải cố gắng thực hiện cách mạng, xã hội loài người có thể tốt đẹp hơn, công bằng hơn thông qua một quá trình cải biến lâu dài, khi các lực lượng xã hội, các cá nhân tự điều chỉnh để tốt hơn.[93]
  • Theo tác giả Courtois, người viết Sách đen của Chủ nghĩa Cộng sản, cho rằng các chế độ Cộng sản đã chịu trách nhiệm hoặc gây nên một số lượng người chết nhiều hơn bất kỳ lý tưởng hoặc phong trào chính trị nào khác[94]. Tác giả cho rằng "các chế độ cộng sản đã...biến tội ác hàng loạt thành một hình thức chính thể"[95] và ước tính khoảng 100 triệu người đã bị giết dưới các chế độ cộng sản, bao gồm các vụ hành quyết, cố ý hủy diệt dân số do nạn đói, và tử vong do từ trục xuất, giam thể xác, hoặc thông qua lao động cưỡng bức [94], cao hơn cả dưới chế độ Đức Quốc xã là 25 triệu người.[96]. Nhà sử học gốc Do Thái Daniel Goldhagen thì cho rằng chế độ cộng sản thế kỷ 20 cũng giết hại nhiều người như bất cứ chế độ nào khác.[97] Các học giả khác trong lĩnh vực nghiên cứu về cộng sản như Steven Rosefielde, Benjamin ValentinoR.J. Rummel cũng có những kết luận tương tự.[98][99] Rosefielde cho rằng "trại tập trung đỏ" (Red Holocaust) đã gây ra cái chết cho nhiều người như Holocaust (cuộc tàn sát người Do Thái trên lãnh thổ phát xít Đức) và Tội ác chiến tranh Nhật Bản gây nên tại châu Á. Khi so sánh với chủ nghĩa tư bản, Rosefielde cũng cho rằng: "dù không thể phủ nhận rằng chế độ tư bản đã tàn sát hàng chục triệu người dân xứ thuộc địa trong thế kỷ 20 mà hầu hết là do bóc lột và nạn đói, cũng không thể bằng những vụ thanh trừng có chủ đích của chế độ cộng sản."[99] Tuy nhiên, một số học giả khác cho rằng các tác giả này đã dùng những dữ liệu không đúng và ngụy tạo các con số để thể hiện thiên kiến chống Cộng của họ[100]. Ví dụ như việc Courtois cố ý đếm cả số người chết do nạn đói, bệnh dịch, chiến tranh và đổ lỗi cho chủ nghĩa cộng sản, nếu tính như vậy thì chủ nghĩa tư bản sẽ phải chịu trách nhiệm cho vài triệu cái chết mỗi năm từ những nước nghèo đói trên thế giới trong thời điểm hiện tại.[101] Theo giáo sư Noam Chomsky, nếu áp dụng cách tính của những học giả chống Cộng (tính cả nạn đói, bệnh tật, chiến tranh là "nạn nhân") thì riêng tại Ấn Độ đã có 100 triệu người chết bởi chủ nghĩa tư bản tính đến năm 1979, chưa tính đến nơi khác.[102] Một nhóm tác giả khi sử dụng chính những cách tính của những học giả chống Cộng để viết Sách đen chủ nghĩa tư bản, họ kết luận rằng có ít nhất 100 triệu người đã chết do chủ nghĩa tư bản chỉ tính riêng trong thế kỷ 20, chưa tính số người chết trong các thế kỷ trước.
  • Nhiều nhà phê bình chống cộng cho rằng lý thuyết kinh tế cộng sản đã dự đoán sai rằng giai cấp tư sản sẽ tích lũy vốn và sự giàu có ngày càng tăng, trong khi các lớp thấp hơn phụ thuộc nhiều hơn vào các giai cấp thống trị để tồn tại, hầu hết bán sức lao động với mức tiền lương tối thiểu [103]. Phe chống cộng sản chỉ ra sự gia tăng toàn diện trong tiêu chuẩn sống trung bình ở các nước công nghiệp hóa phương Tây và cho rằng cả người giàu và người nghèo đã liên tục sống tốt hơn. Những người chống cộng sản cho rằng các nước thế giới thứ ba đã thành công thoát khỏi đói nghèo trong những thập kỷ gần đây bởi vì họ áp dụng kinh tế tư bản chủ nghĩa, và trích dẫn nhiều ví dụ về các nước kém phát triển theo chế độ Cộng sản mà không đạt được phát triển và tăng trưởng kinh tế, và trong nhiều trường hợp đã dẫn dân tộc của mình vào tình trạng tệ hơn, ví dụ như chế độ Mengistu ở Ethiopia, Khmer Đỏ ở Campuchia, nhà nước Bắc Triều Tiên. Những người chống cộng sản còn chỉ ra sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế-xã hội giữa hai phe tư bản và cộng sản cuối thời kì Chiến tranh lạnh, được biểu hiện ở các quốc gia bị chia cắt trong giai đoạn này (chẳng hạn những nước cộng sản như Bắc Triều Tiên, Đông Đức đều kém phát triển hơn về nhiều mặt so với các nước tư bản chủ nghĩa (như Nam Triều Tiên, Tây Đức). Sự cách biệt rõ rệt về mặt kinh tế giữa 2 khối Tây Âu tư bản và khối Đông Âu cộng sản cũng phản ánh điều đó [104]. Ngược lại, những người ủng hộ chủ nghĩa cộng sản cho rằng các dự đoán về việc người lao động phải bán sức lao động với mức tiền lương tối thiểu là vẫn đúng, chỉ khác là trong thời đại toàn cầu hóa, việc bóc lột người lao động ở trong nước được thay bằng việc bóc lột người lao động nước ngoài tại các nước nghèo (thể hiện qua việc các tập đoàn đa quốc gia đầu tư xây dựng nhà máy ở các nước nghèo, và trả lương cho nhân công địa phương rất rẻ mạt)[105]. Cũng theo những quan điểm ủng hộ cộng sản, sự tụt hậu của các nước cộng sản chủ nghĩa cuối thập niên 1980 là do các nước này không linh hoạt thay đổi mô hình kinh tế, trong thực tế những nước cộng sản chủ nghĩa thay đổi linh hoạt đã có thể tiếp tục tồn tại và phát triển nhanh hơn nhiều nước tư bản có cùng trình độ xuất phát điểm. Ví dụ như Liên Xô trong thập niên 1930 đã vượt qua Anh-Pháp-Đức và hoàn thành công nghiệp hóa nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong lịch sử, hoặc hiện nay thì Trung Quốc đã vượt xa Ấn Độ[106], Cuba đã vượt hơn phần lớn các nước Mỹ Latinh trong các chỉ số về giáo dục và y tế[107].
  • Những lời chỉ trích khác tập trung vào việc một số nhà nước cộng sản đã làm tổn hại nghiêm trọng hoặc phá hủy nhiều di sản văn hóa cũng như tôn giáo ở nhiều nơi. Trong trường hợp của Liên Xô, những lời chỉ trích này thường đề cập đến việc đối xử ưu đãi quá mức đối với chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa Đã từng có một thời Thuyết tương đối của Einstein bị xem là "Học thuyết khoa học tư sản" ở Liên Xô. Những lời chỉ trích khác tập trung vào các thí nghiệm văn hoá quy mô lớn của các chế độ cộng sản nhất định, đã gây nên những tổn thất lớn. Tại Romania, trung tâm lịch sử-văn hóa của thủ đô Bucharest đã bị phá hủy và cả thành phố được thiết kế lại từ năm 1977 đến năm 1989. Tại Liên bang Xô viết, hàng trăm nhà thờ đã bị phá hủy hoặc chuyển đổi thành mục đích khác trong những năm 1920 và 1930. Văn hóa Trung Quốc, một nền văn hóa có truyền thống lịch sử 5000 năm, đã bị hủy hoại nghiêm trọng trong cuộc Cách mạng văn hóa mà những người cộng sản khởi xướng vào thập niên 1960 [108]. Ngược lại, những người ủng hộ chủ nghĩa cộng sản biện minh rằng các chính sách văn hóa đó tuy gây tổn thất về ngắn hạn, nhưng về dài hạn thì nó đã có tác dụng lớn trong việc thúc đẩy các tiến bộ xã hội, loại bỏ các tàn dư hủ lậu của xã hội trung cổ một cách nhanh chóng. Ví dụ như Liên bang Xô viết đã thanh toán xong nạn mù chữ, chống phân biệt chủng tộc và thực hiện nam - nữ bình quyền từ thập niên 1930[109], trong khi nhiều nước tư bản phương Tây chỉ thực hiện xong việc này vào thập niên 1970. Hoặc Trung Quốc nhờ các chính sách văn hóa quyết liệt mà chỉ trong 20 năm đã loại bỏ được chế độ phân biệt đẳng cấp, phân biệt chủng tộc, nạn mù chữ, mê tín dị đoan và các hủ tục khác như bó chân phụ nữ, đa thê, tảo hôn... trong khi Ấn Độ có cùng xuất phát điểm nhưng trong suốt 70 năm vẫn chưa xóa bỏ được triệt để các tàn tích thời trung cổ này, chính những tàn tích này cũng như chế độ đẳng cấp đang kiềm hãm sự phát triển của Ấn Độ[110][111][112][113].
  • Có những nhà phê bình chống cộng cho rằng cho rằng các nhà nước cộng sản đã tỏ ra "đạo đức giả" khi lên án chủ nghĩa đế quốc Phương Tây bởi một số quốc gia cộng sản như Liên Xô hay Trung Quốc đã từng nhiều lần thực hiện can thiệp vào nội bộ nước khác, chẳng hạn như khi Liên Xô sáp nhập Baltic và tấn công Phần Lan trong thế chiến II, hoặc trấn áp cuộc nổi dậy ở Tiệp KhắcHungary cùng với một loạt các hành động can thiệp quân sự trong thời kì Chiến tranh Lạnh [114]. Việc Trung Quốc sáp nhập Tây Tạng hay những tranh chấp của Trung Quốc trên biển Đông thời gian gần đây cũng được nhiều người coi là biểu hiện của chủ nghĩa đế quốc. Ngược lại, những người ủng hộ chủ nghĩa cộng sản cho rằng một số hành động dùng vũ lực nêu trên của các quốc gia cộng sản chỉ thể hiện những tranh chấp mang tính cục bộ, là mâu thuẫn lịch sử từ xa xưa giữa các dân tộc láng giềng, hoặc do tinh thần dân tộc chủ nghĩa chứ không liên quan đến chủ nghĩa cộng sản (việc các nước láng giềng xảy ra tranh chấp lãnh thổ, tấn công lẫn nhau là điều thường xuyên diễn ra trên thế giới dù họ thuộc bất kỳ thể chế chính trị nào, như tranh chấp Ấn Độ - Pakistan, Iran - Iraq, Israel - Palestine, Hàn Quốc - Nhật Bản...), nó khác hẳn với việc Đế quốc Anh, Pháp, Đức, Mỹ đem quân đi nửa vòng Trái Đất để xâm chiếm châu Á và châu Phi, can thiệp vào chính trị nội bộ quốc gia khác (những dân tộc vốn không có tranh chấp lãnh thổ với họ), và nó cũng không dẫn tới việc thiết lập thuộc địa như các nước đế quốc chủ nghĩa phương Tây đã làm vào thế kỷ 19.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chủ_nghĩa_cộng_sản http://www.hls-dhs-dss.ch/textes/f/F017455.php http://www.bartleby.com/65/co/communism.html http://www.bbc.com/vietnamese/world-42609876 http://www.britannica.com/EBchecked/topic/129104 http://books.google.com/books?id=4ErRaUQhb-8C&pg=P... http://www.merriam-webster.com/dictionary/communis... http://encarta.msn.com/encyclopedia_761572241/Comm... http://www.nybooks.com/articles/archives/2011/jan/... http://www.reference.com/browse/columbia/socialis http://journals.sagepub.com/doi/abs/10.1177/048661...